Tin tức Tin tức

Điều trị F0, theo dõi F1 ở nhà, cần lưu ý những gì để nâng cao sức khoẻ?


01/10/2021

Một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng giúp bản thân vượt qua được bệnh tật. F0, F1 khi thực hiện cách ly tại nhà cần lưu ý một số vấn đề sau, theo hướng dẫn của BS Trương Hữu Khanh để nâng cao sức khỏe.

1. Nâng cao sức đề kháng cho F0, F1 sao cho hiệu quả?

Nâng cao sức đề kháng là điều rất quan trọng đối với F0, F1 điều trị và theo dõi tại nhà. Vậy làm cách nào để tăng cường sức đề kháng đúng cách thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bạn đọc nên lưu ý, chúng ta vẫn có thể áp tất cả các phương pháp tăng cường sức đề kháng như trước giờ vẫn thực hiện. Hơn nữa, hiện nay không có bất cứ phương pháp tăng cường sức đề kháng nào đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 này cả. Vì vậy, người dân không nên nghe theo những thông tin lệch lạc, thiếu khoa học về các mẹo tăng sức đề kháng trong mùa dịch đang tràn lan trên mạng.

Theo đó, sức đề kháng có được nhờ việc uống đủ nước, ngủ đủ giấc, cũng cấp đủ dinh dưỡng trong bữa ăn và tập luyện thể thao. Với nguyên tắc như vậy, các F0 và F1 nên:

  • Ngủ đủ giấc: Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên ngủ trước 21 giờ, như vậy giúp tăng cường sức đề kháng.
  • Uống đủ nước: Người lớn nạp cho cơ thể khoảng 2,5 - 3 lít nước/ngày, trong đó có thể bao gồm: nước uống, sữa, các món ăn (canh, súp, cháo…),…
  • Cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho bữa ăn (đạm, tinh bột, chất béo, vitamin…) để đảm bảo đủ năng lượng. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm vitamin bổ sung nếu F0 cảm thấy ăn uống không ngon (do ảnh hưởng của mất vị giác/khứu giác).
  • Tập luyện thường xuyên và bất cứ lúc nào: Chúng ta nên có một thời khoá biểu trong thời gian giãn cách, cũng như tận dụng mọi không gian trong nhà để tập luyện thể dục thường xuyên.

Hiện nay, nhiều người truyền tai nhau những mẹo được coi tăng sức đề kháng, ví dụ như sử dụng rau mùi, tỏi, trái cây chứa nhiều vitamin… Thực tế, đây đều là những phương pháp đã được áp dụng từ xa xưa và không có gì mới lạ cả.

Vì vậy, người dân đừng nên tin những lời tung hô về một phương pháp thần thánh nào đó cho rằng có thể tăng sức đề kháng, mà cố tìm mua bằng được nguyên liệu như trong mẹo. Trong bối cảnh hiện nay, việc tìm mua cũng không dễ dàng. Thay vào đó, chúng ta cứ áp dụng những phương pháp như trước đây và tận dụng những gì xung quanh có thể dùng được.


BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực - Hội Truyền nhiễm TPHCM

2. F0 ăn kém ngon vì mất mùi, mất vị giác, làm sao khắc phục?

F0 thì nên có chế độ dinh dưỡng như thế nào để tránh tình trạng suy kiệt. Một số trường hợp bệnh nhân bị mất mùi, mất vị giác khiến ăn không ngon, chúng ta nên khắc phục bằng cách nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Người bệnh COVID-19 phải hiểu rằng, chỉ có ăn uống đầy đủ thì cơ thể mới có năng lượng.

Bên cạnh đó, người chăm sóc cũng nên biết rằng F0 sẽ rất khó ăn nên phải chuẩn bị đầy đủ dinh dưỡng. Nếu F0 không ăn được nhiều, chúng ta có thể bổ sung bằng dạng uống như: sữa chua, phô mai, sữa năng lượng cao… Hoặc chế biến các món ăn dạng lỏng như: cháo, súp… và cho bệnh nhân ăn nhiều bữa.

Điều quan trọng là bệnh nhân không nên kiêng ăn. Các thông tin trên mạng về kiêng món này món kia cho người F0 là hoàn toàn sai lầm.

Khi bị mất vị giác/khứu giác, bệnh nhân ăn sẽ không còn cảm giác ngon miệng nữa. Do đó, F0 có thể ăn ít và chia thành nhiều bữa trong ngày. Đặc biệt, có một số trường hợp do uống thuốc quá nhiều nên bệnh nhân bị khó chịu dạ dày, dẫn đến chán ăn. Lúc này, bệnh nhân nên liên lạc với nhân viên y tế để hỏi xem mình có cần uống thuốc trị đau dạ dày hay không. Bởi nếu cứ chịu đựng, bệnh nhân sẽ càng khó ăn hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên cân nhắc để hỏi nhân viên y tế xem mình có thể ngưng thuốc được chưa, vì nếu cứ uống thuốc hoài thì chắc chắn dạ dày không chịu nổi.

3. Dùng thuốc bổ tăng cường sức đề kháng, cần lưu ý gì?

Trong mùa dịch này, thuốc bổ và những loại thuốc tăng cường sức đề kháng là mặt hàng bán rất chạy. Xin hỏi BS, khi sử dụng cần phải nhớ những nguyên tắc nào ạ?


Người bệnh không nên tin và tìm mua những loại thuốc được quảng cáo có thể hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19 (Ảnh minh họa)

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trên thực tế, các loại thuốc bổ và thuốc tăng cường sức đề kháng đều không có gì mới. Do đó, người dân không nên tin và tìm mua những loại thuốc quảng cáo rằng có thể hỗ trợ trị COVID-19.

Theo đó, chúng ta vẫn có thể bổ sung các loại thuốc bổ hay thuốc tăng cường sức đề kháng như trước đây. Ví dụ: thuốc bổ sung vitamin C, vitamin D, vitamin A hoặc những nhóm đa sinh tố... Mặc dù có thể uống những loại thuốc bổ sung, song bệnh nhân chỉ nên uống trong vài ngày. Khi cơ thể đã dần hồi phục, chúng ta có thể tẩm bổ bằng việc ăn uống và không nên lạm dụng thực phẩm chức năng. Bởi dù sao thuốc cũng chỉ là thuốc, nếu bổ sung bằng tự nhiên thì sẽ tốt hơn.


Administrator